Giai đoạn cuối - Hành trình cận tử
National Cancer Institute
Trong đợt dịch thứ 4 vừa rồi, mình tình cờ đọc một quyển sách của bác Đặng Hoàng Giang về cái chết. Nó tên là Điểm đến của cuộc đời, kể về trải nghiệm của những bệnh nhân ung thư khi tiệm cận với cái chết. Thông qua cách nhìn cuộc sống của họ trong đau khổ thể xác, mình học được nhiều bài học mới khi nhìn lại chặng đường cùng mẹ trải qua những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, với bệnh K phổi.
Cân nhắc trước khi đọc tiếp, vì câu chuyện có thể phá hỏng tâm trạng tốt đẹp của bạn.
1. Thời kỳ tươi đẹp của bệnh ung thư
Sự thật chỉ có một, nhưng chúng ta nhìn nó ở nhiều lăng kính.
Lúc phát hiện bệnh, ung thư đã ở giai đoạn cuối không thể chữa trị. Bác sĩ bảo với ba mình, hãy để cho mẹ thích ăn gì cứ ăn, và đi những chuyến đi tuyệt vời nhất trước khi mọi thứ tệ hơn. Trong suốt năm cuối cùng, mẹ mình được điều trị ở nhà.
Và hành trình đó bắt đầu bằng những ngày tháng tươi đẹp. Như vẻ đẹp tiếc nuối của hoàng hôn, chúng ta dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất khi mọi thứ đang tiến gần về kết thúc. Ba mình nói dối với mẹ, đây chỉ là khối u lành, uống thuốc là hết. Ba dành khoảng ban công để trồng những loại cây mẹ thích: cây kim tiền, lưỡi hổ, trường sinh... Có một bụi trường sinh được chị Diệu Anh - sếp cũ của mình tặng. Khi biết tin mẹ mình bị bệnh, chị đã khóc. Bụi trường sinh đó là lời cầu chúc của chị về ánh sáng hy vọng hiếm hoi cho cuộc chiến sinh tử không có đường lui này. Mình luôn trân trọng sự tốt đẹp đó.
Nhà mình lúc này tràn ngập những loại rau củ tươi rói, và hoa. Mẹ mình hay làm những món ngon. Mình còn nhớ giai đoạn đó mình từng chia sẻ một bức ảnh có bánh flan của mẹ làm, một chậu đất nung của ba cắm hoa thạch thảo tím và một cốc cà phê pha từ cà phê người yêu cũ mua. Lúc này ở nhà mình thấy tràn ngập hạnh phúc, như thể căn nhà chưa bao giờ ấm áp như vậy. Mẹ mình bàn rất nhiều về dự định Tết này cả nhà sẽ đi đâu, hết bệnh sẽ đi Buôn Ma Thuột, sẽ đi Phú Quốc. Lúc này, mẹ đang dùng loại thuốc viên điều chế bằng đột biến gen có tên là Tagrisso nên mọi thứ tiến triển tốt và không có tác dụng phụ. Không rụng tóc, không kém ăn. Mẹ còn gọi điện cho bạn thân bảo là tưởng bệnh ung thư sẽ đau đớn lắm, nhưng tui không bị rụng tóc, cũng không sụt ký nào bà ơi. Cả nhà mình lúc đó tự tin nghĩ rằng chỉ cần có thuốc này thôi, ung thư sẽ giống như một căn bệnh mãn tính, mình sống chung với nó và với thuốc.
Giống như ghi chép của bác Giang, giai đoạn này được xây dựng dựa trên sự trốn tránh và hy vọng về điều kỳ diệu. Chẳng ai dám nhìn thẳng vào sự thật và chuẩn bị cho nó. Chúng ta nghĩ rằng mình sẽ khác. Sẽ có phép màu xảy ra. Và chúng ta trở tay không kịp.
Giai đoạn này cũng là lúc gia đình mình nhận được nhiều tình cảm của mọi người xung quanh. Rất nhiều lời cầu nguyện, thăm hỏi, động viên. Thật lòng biết ơn mọi người. Và chú H., bạn thân của ba mình, cũng là bệnh nhân ung thư giai đoạn 3, đã cho nhà mình rất nhiều lời khuyên và kinh nghiệm về khám chữa bệnh cho mẹ. Chú cũng mất sau mẹ một năm, mong linh hồn chú sớm được Chúa đón về nhà.
2. Cái lồng sắt
Giai đoạn tươi sáng kéo dài khoảng 3 tháng. Sự lạc quan của cả nhà biến mất khi tế bào ung thư tìm ra cách để chiến thắng. Lờn thuốc. Mẹ không dùng được Tagrisso nữa. Nhờ lời cầu nguyện của đại gia đình, may mắn vẫn mỉm cười với nhà mình. Mẹ được tham gia vào chương trình thử nghiệm hoá trị sinh học của Việt Nam, và được hỗ trợ chi trả 80% tiền thuốc khi truyền hoá chất.
Đây là lần đầu tiên, ba mẹ và mình biết đến khái niệm hoá trị. Cứ 3 tuần 1 lần, ba sẽ chở mẹ đến Bệnh viện Ung bướu để truyền hoá chất. Lúc này mọi thứ bắt đầu khó khăn hơn, do truyền hoá chất cũng là truyền thuốc độc vào người để tiêu diệt tế bào ung thư. Mẹ mình mệt nhiều hơn, ăn uống cũng chẳng còn vị gì ngon. Từ những món ăn tươi rói nhiều màu sắc, thức ăn mẹ hay ăn nhất lúc này là cháo thịt bằm xay. Và cháo bí đỏ Hàn Quốc mua ở K Market dưới nhà. Mỗi cái nuốt đều khó khăn.
Giai đoạn này cũng là lúc ở nhà mình xảy ra nhiều mâu thuẫn nhất. Vì cuộc sống bỗng nhiên trở nên khó khăn quá. Ai cũng mệt mỏi vì phải thích nghi với cuộc sống trong lồng. Ba mình chuyển sang làm việc ở nhà để tiện chăm sóc mẹ. Mình cũng xin được làm việc remote. Thật trùng hợp vì chỉ một năm sau đó, Covid xảy ra và tất cả chúng ta đều phải ở nhà, ba và mình cảm thấy bình thường vì cả hai đã ở nhà cả một năm trước đó.
Ngay trong những lúc mệt mỏi nhất, mẹ không ngừng bận tâm về mình. Mẹ sẽ luôn trách mình dành thời gian làm việc nhiều quá, mình thức khuya quá 11 giờ. Mẹ sẽ trách ba vì luôn luôn đi tắm trước giờ ăn cơm. Mẹ cấm không cho mình gặp người yêu của mình lúc đó. Mình nghĩ, sự mệt mỏi về thể lý dẫn đến sự cáu gắt về tinh thần ở mẹ. Hoặc là chính lúc đó, mẹ cảm nhận được thời gian không còn nhiều. Một mặt, mình cảm thấy rất thương và lo. Mình cảm thấy có lỗi khi làm việc lúc đêm muộn và có những cuộc hẹn hò lén lút. Mình thấy thương mẹ vì luôn dành hơi sức quan tâm đến mình ngay giữa những cơn đau của bệnh ung thư. Tình yêu của mẹ thật là tình yêu vĩ đại.
Mặt khác, mình cảm thấy bức bối vì không thể sống cuộc đời của mình. Trong khi bạn bè có thể sống vui vẻ, yên bình và nỗ lực làm việc để có một tương lai tốt hơn, ngay lúc đó mình ở nhà và dậm chân tại chỗ với một công việc không còn vui nữa. Và với một tình yêu luôn phải che giấu. Vấn đề ở mình, gia đình mình và có lẽ nhiều gia đình châu Á khác, là chúng ta không có bất cứ một cuộc đối thoại nào trực diện vào vấn đề. Rằng tại sao chúng ta khó khăn với nhau. Tại sao con cái luôn im lặng và làm những điều hư hỏng dưới góc nhìn của phụ huynh. Mình cảm thấy, khoảng cách của thế hệ nứt toác ra mà mình không thể sửa chữa, và nó tệ hơn khi mẹ mình đang chữa trị bệnh, và mình không muốn làm gì khiến mẹ buồn lòng. Nên mình im lặng.
Thế hệ trước lớn lên trong nghèo đói. Mẹ mình là một người phụ nữ truyền thống và đơn giản, đôi khi hơi ngây thơ. Mẹ luôn muốn bao bọc con cái khỏi nguy hiểm và thiếu thốn vật chất. Tuy nhiên, đời sống tinh thần là một thứ chưa bao giờ được đề cập đến trong gia đình của mình như lẽ ra nó cần phải như thế. Không có tâm sự, không có cầu nguyện chung. Chúng ta nghĩ rằng mình sẽ sống với nhau mãi mãi, còn đầy thời gian để hàn gắn vết thương. Chúng ta nghĩ thời gian là vô hạn hay mình cứ sống tạm bợ, cứ hời hợt với nhau như thế cho đến lúc chết.
Mình tiếc là mình biết những điều này quá muộn, sau khi mình không còn gia đình nữa mà chuyển sang mối quan hệ chỉ có 2 người: là mình và ba. Phải đến bây giờ mình mới bắt đầu tâm sự với ba về những gì xảy ra trong cuộc sống của mình khi hai người cùng ăn sáng. Và may mắn là ba cũng mở lòng nhiều hơn cho những câu chuyện thuộc thế hệ của mình.
Cả cha mẹ và con cái, hãy thật lòng với nhau nhiều hơn trước khi không còn kịp nữa, vì gia đình là nơi an toàn nhất để mở chiếc lồng trói buộc tâm lý của nhau.
3. Thời kỳ cuối
Thời kỳ cuối của giai đoạn cuối là một giấc mơ xấu. Kể từ sau thời gian đó, chẳng nỗi buồn nào có thể nhấn chìm mình được nữa. Vì bản thân đã chạm đến tầng sâu của nỗi buồn rồi.
Lúc này hoá trị sinh học đã không còn hiệu quả. Lờn thuốc lần 2. Mẹ mình chuyển sang hoá trị truyền thống. Những ngón chân của mẹ đen lại. Tóc bắt đầu rụng. Mẹ hay bị sốt hành mỗi lần truyền thuốc, mẹ bảo nước tiểu nóng như nước sôi. Thức ăn đã chuyển hoàn toàn sang cháo xay, và cứ 4 tiếng mẹ sẽ uống giảm đau một lần.
Mẹ hay than buồn vì mỗi sáng ngủ dậy thấy tóc rụng. Thấy sự tự tin và khoẻ mạnh của mình từ từ mất đi. Ung thư đã chuyển từ cuộc chiến âm ỉ bên trong cơ thể thành dạng hữu hình ở trên giường ngủ, trên sàn nhà, trong nhà tắm. Năm đó món quà sinh nhật mà ba và mình tặng cho mẹ là một bộ tóc giả ngắn gần giống với tóc bình thường của mẹ, được kết từ tóc thật. Vì giá của bộ tóc khá đắt, nên mình cảm thấy thật quý các bạn và các tổ chức hiến tóc cho bệnh nhân ung thư. Nó là một thứ bề ngoài, nhưng cũng chính là tinh thần và hy vọng của bệnh nhân ung thư vào những ngày cuối cùng còn nhận thức được thế giới.
Mẹ đã mệt không đi nổi. Ước mơ của mẹ là được dự lễ tốt nghiệp của mình. Đó là cột mốc cuối cùng trong cuộc đời của mình mà mẹ có thể chứng kiến. Nên từ 1 tháng trước đó, ba đã dẫn mẹ đi may 3 bộ đầm mới. Mẹ vui lắm.
Vào ngày mình tốt nghiệp, mẹ mệt nên không dự lễ vào sáng sớm được mà chỉ xem online. Hôm đó mình đội mũ tốt nghiệp bị ngược. Mình còn nhớ mẹ ở nhà đã nhắn tin cho mình: "Con doi mu sai roi, doi sang ben phai." (Con đội mũ sai rồi, đội sang bên phải). Nhưng khi kết thúc lễ, mẹ đòi ba chở lên để chụp một tấm hình kỷ niệm. Tấm hình cuối cùng mẹ còn tóc thật, trước khi phải cạo sạch bằng tông đơ. Để cho mát và để tóc không còn rụng khắp nơi trong nhà nữa. Dù có một bộ tóc giả, nhưng mẹ thích dùng cái mũ len màu hồng nhạt mà ba mình mua cho, vì nó mát và đơn giản hơn. Và lúc này, mẹ đã chấp nhận việc mình là bệnh nhân ung thư.
Mọi người trong gia đình mình sang thăm mẹ hàng tuần. Mẹ ghi nhớ rõ ràng và luôn nhắc ba và mình là thứ 4 sẽ có cậu Năm qua, cậu Năm thích ăn cá chiên. Tối thứ 5 thì có gia đình cậu Bảy với mấy đứa nhỏ sang, hãy mua kem cho vào tủ lạnh. Hôm nào thì có anh Bi sang chơi, đưa thẻ cho nó lên chung cư tập bơi.
Lần truyền hoá trị thứ 3 là lúc mẹ chìm vào mê sảng. Tuy vẫn nhận thức được thế giới, nhưng cơn đau và hoá chất đã tước đi khả năng nói và cử động của mẹ. Mẹ chỉ còn có thể phát ra những tiếng gọi và phản xạ yếu ớt. Mẹ không tự đi vệ sinh được, ga giường sẽ ướt mỗi 3 tiếng 1 lần. Mỗi lần như thế, ba và mình phải lật mẹ sang 1 bên giường để thay ga mới. Sau này, mình phát hiện ra có thể dùng tã giấy người lớn để giảm bớt số lần thay ga giường. Mình đã đặt rất nhiều tã giấy trên Tiki, nhưng mẹ chỉ kịp dùng một ít trong số đó...
Bác sĩ bảo ở giai đoạn cuối này rồi, có thể dùng morphine để giảm bớt cơn đau cho bệnh nhân. Morphine lúc này giống như một liều thuốc nhân đạo, lúc cận kề cái chết chẳng còn cần phải quan tâm đến tác dụng phụ (nghiện thuốc) về sau nữa. Lúc này ung thư hoành hành dữ dội và di căn khắp các nội tạng trong cơ thể. Khối u ở bên cổ phải của mẹ càng ngày càng lớn, khiến cho mẹ khó thở, thở khò khè như cá bị đem lên bờ. Mẹ phải chịu đựng cơn đau dữ dội trong im lặng, vì cơ thể không còn đủ sức để phản ứng nữa. Nhưng kể cả thế, mẹ mình vẫn từ chối sử dụng morphine.
Lúc đọc sách của bác Giang, mình thấy người nhà của bệnh nhân ung thư phải chạy vạy khắp nơi để có đủ liều morphine mỗi ngày, giúp bệnh nhân có được một vài giờ thanh thản trong ngày, chạy trốn khỏi cơn đau. Mẹ mình thật sự là một phụ nữ kiên cường. Dù nằm bất động trên giường, cả người đen lại và co quắp vì cơn đau, mẹ vẫn quyết từ chối thuốc phiện, bằng những phản xạ yếu ớt cuối cùng. Cho đến hơi thở cuối cùng, mẹ mình chỉ dùng đúng nửa ống morphine. Mẹ vẫn hy vọng có thể giành lại được sự sống, vì ngày cuối cùng ở trên đời, mẹ đã mỉm cười khi nghe mình nói Tết này cả nhà sẽ đi Phú Quốc sau khi chữa trị bệnh cho mẹ.
Ba mình nhờ Cha đến làm phép xức dầu bệnh nhân và giải tội cho mẹ. Vào giây phút đó, mọi người đứng xung quanh mẹ. Mình không biết lúc đó mẹ đã nghĩ gì. Nhưng là một phụ nữ cả đời không đi nhà thờ, chắc đây là lần đầu tiên sau nhiều năm kể từ khi kết hôn, mẹ mới được rước Chúa vào lòng. Và được rửa sạch khỏi mọi tội lỗi, mọi đau đớn của bệnh ung thư và của cuộc đời.
Ngay ngày hôm sau đó, mẹ được Chúa gọi về.
Mình vẫn nghĩ đây là ơn Chúa nhờ lời cầu nguyện của tất cả mọi người trong nhà. Và nhờ chú H. đã luôn hối thúc ba mình phải mời Cha về giải tội cho mẹ, càng sớm càng tốt. Một linh hồn đã được cứu rỗi.
Mình không đủ sức để viết tiếp cái blog này nữa. Nó rời rạc và nặng nề. Mình chỉ muốn ghi lại một trải nghiệm khiến mình nhận ra rằng gia đình rất quan trọng. Sẽ không còn là gia đình khi thiếu đi một người. Gần đây mình đọc được tin một cậu bé ở Hà Nội tự tử vì áp lực từ việc học, và sự thiếu khéo léo của người lớn. Mình thật sự mong tất cả mọi bậc cha mẹ và con cái, hãy quan tâm đến cảm xúc của nhau nhiều hơn, chủ động chia sẻ và mở lòng cho cả những yếu đuối và mặt tối của nhau. Đừng để đến khi âm dương cách biệt, đừng để đến khi mọi thành công ở ngoài đời này không thể đem về nhà kể cho ai nghe được nữa. Chẳng còn ai đợi bạn về ăn cơm. Chẳng còn ai mắng nhiếc bạn. Chẳng còn ai cãi nhau với bạn. Chẳng còn ai mong đợi những thành tích bạn sẽ làm được ở ngoài đời.
Cuộc sống cứ thế trôi đi trong phẳng lặng, nó đáng sợ hơn rất nhiều tất cả những lời nóng giận của cha mẹ hay lời cự cãi của con trẻ. Đáng sợ nhất chính là không thể gặp nhau nữa.
Giai đoạn cuối còn dạy mình về sự nhỏ bé của loài người. Mọi vật chất trên đời, tiền bạc, hay tình ái, đều có thể sẽ gục ngã trước một tế bào đột biến nhỏ nhoi. Chúng ta có thể ngay lập tức từ hình hài lành lặn, xinh đẹp của mình trở thành một bệnh nhân co quắp trên giường bệnh. Vì vậy mình không quá yêu thích cũng không quá đau buồn trước mọi thành công hay thất bại xảy ra trong cuộc đời mình, kể từ đó.
Mình bình thản đón nhận. Mình nỗ lực để tốt hơn.
Nhận xét
Đăng nhận xét